“Tôi đi chợ 2 ngày nay nhưng không mua được quả cà chua nào. Khi hỏi người bán, họ bảo đợt này khan hiếm và giá cao nên họ cũng hạn chế nhập về”.
Đó là những chia sẻ của bà Bùi Thị Miên (trú tại Đống Đa, Hà Nội). Bà cho biết khoảng 10 ngày trở lại đây, bà đi chợ nhưng tìm mỏi mắt không thấy hàng, quán nào bán cà chua.
Khi hỏi tiểu thương, họ chỉ bảo giá đang tăng rất cao, lên tới 50.000 đồng/kg. Họ chỉ dám nhập rất ít về bán vì sợ ế, phần khác là số lượng cà chua hiện rất ít, khó nhập hơn trước đây.
Chị Nguyễn Thu Hà (trú tại Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết giá cà chua tăng “khủng khiếp”. Cách đây khoảng 3 tuần, chị đi mua một cân cà chua chỉ mất khoảng 30.000 – 35.000 đồng. Nhưng mấy ngày gần đây ra chợ, chị phải mua với giá dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, thậm chí mua chọn quả còn phải mua với giá 60.000 đồng/kg.
“Chiều hôm trước đi làm về, tôi chạy vội ra chợ mua ít đậu với mấy quả cà chua về sốt, bốc đại 3 quả nhỏ nhỏ mà người bán tính tiền lên đến 20.000 đồng. Ngỡ ngàng quá, tôi phải bỏ lại một quả, chỉ dám mua 2 quả thôi”, chị cho hay.
Cà chua gần 2 tuần qua tăng giá đến chóng mặt, có nơi bán đến 60.000 đồng/kg.
Chủ doanh nghiệp làm tương ớt tương cà, anh Lê Minh Cương (TP. Thanh Hóa) cho biết khoảng 2 tuần trở lại đây cà chua khan hiếm, không có để thu mua, anh phải dừng nhận các đơn đặt hàng mua tương cà một thời gian để tìm nguyên liệu.
Theo anh, cà chua đợt này khan hiếm do 2 nguyên nhân chính là thời tiết và tâm lý người dân e ngại dịch bệnh nên không trồng. “Mưa lớn đầu mùa đông khiến đất nhiễm bệnh và cây giống chết nhiều, nhiệt độ chênh lệch giữa đêm và ngày lớn làm cho cà chua phát triển kém, trái xấu mã.
Vụ cà chua năm ngoái, giá bị giảm sâu khi Hải Dương phong toả, cà chua không xuất được ra khiến giá loại quả này xuống còn 2.000 đồng/kg, nhiều nơi vội thu rồi đổ đi. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà con dè dặt không dám trồng”, anh cho hay.
Anh Cương cho rằng mọi năm miền Bắc thiếu sẽ có Đà Lạt, Tây Nguyên và miền Nam đẩy hàng ra nhưng thời tiết năm nay ở khu vực phía Nam cũng không thuận lợi và tâm lý dịch bệnh, người dân không trồng nên hàng trở nên ngày càng khan hiếm.
Một lý do khác khiến cà chua tăng giá và khan hiếm như hiện tại đó là giá nông sản của nước ta phụ thuộc cả từ nguồn sản xuất Trung Quốc. Hiện tại, phía Trung Quốc đóng biên làm cho đã thiếu lại càng thiếu.
Nhiều nhà vườn cũng đã trồng lại nhưng đợt này chưa thu hoạch được, quả vẫn còn xanh. Hiện tại, theo anh tìm hiểu, nhiều hộ gia đình bắt đầu trồng lại nhưng để thu hoạch được quả, người trồng phải chăm sóc khoảng 3 tháng. Vì vậy, ra Tết, nguồn nguyên liệu sẽ dồi dào.
Không chỉ cà chua, anh Cương cho biết ớt đợt này cũng tăng giá hơn trước, hiện tại đang ở mức 70.000 – 80.000 đồng/kg.
Nói về cà chua tăng giá, bà Tuyết – chủ một sạp rau ở khu chợ Đống Đa (Hà Nội) cho biết, các mặt hàng rau xanh đợt này giá rẻ hơn trước nhưng cà chua lại tăng phi mã. Bởi đợt này, rau vào vụ thu hoạch, số lượng rau dồi dào hơn nên giá bán hạ nhiệt hơn nhiều so với trước.
“Cà chua đợt này khan hiếm lắm, các đầu mối nhập có số lượng rất ít mà giá bán lại cao hơn nhiều. So với thời điểm cách đây 1 tháng, giá nhập vào đã tăng gấp đôi. Tôi lấy về bán lẻ với giá trung bình 50.000 đồng/kg đổ xô, còn nếu chọn quả thì giá sẽ cao hơn”, bà Tuyết cho hay.
Sở dĩ loại quả này có giá tăng chóng mặt thời điểm này, bà cho rằng năm nào thời điểm này cũng ít cà chua và giá cũng nhỉnh hơn so với trước. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân trồng cà chua cũng e dè không dám trồng nhiều. Khi cầu vượt quá cung, ắt hẳn giá cà chua sẽ bị đẩy lên cao.